Trăn trở của vị doanh nhân mời Đại sứ ẩm thực Nhật sang VN: Đi 40 nước thấy ẩm thực Việt phát triển ngẫu hứng, với quan niệm cứ nấu ăn ngon là mở được nhà hàng

Ông Đinh Minh - Chủ tịch HĐQT Hệ thống thế giới ẩm thực Miresto.

“Hiện ẩm thực Việt Nam ở các nước đang phát triển tương đối ngẫu hứng, được những người đang sinh sống, kinh doanh ở nước ngoài cho rằng ‘mình nấu món này ngon, và nếu mở nhà hàng sẽ kinh doanh tốt’. Thực sự chưa có doanh nghiệp lớn của nước ngoài hay Việt Nam đầu tư…”, TS Đinh Minh – Chủ tịch HĐQT Hệ thống thế giới ẩm thực Miresto, sở hữu chuỗi nhà hàng Thế giới Hải sản và Hatoyama – trải lòng.

Ông Đinh Minh - Chủ tịch HĐQT Hệ thống thế giới ẩm thực Miresto.

Ông Đinh Minh – Chủ tịch HĐQT Hệ thống thế giới ẩm thực Miresto.

“Ẩm thực không chỉ là đồ ăn, thức uống. Chúng tôi quan niệm chúng tôi không phải người bán đồ ăn, thức uống mà là người chăm sóc, phục vụ đời sống sức khỏe, tinh thần của thực khách, gắn kết thực khách”, TS Đinh Minh – Chủ tịch HĐQT Hệ thống thế giới ẩm thực Miresto – chia sẻ tại sự kiện “Taste of Japan” (Hương vị tinh hoa ẩm thực Nhật Bản), được tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Nhật.

Gần 20 năm học và công tác tại nước ngoài, đi chừng bốn mươi, năm mươi nước trên thế giới, ông Đinh Minh cho biết ông luôn trăn trở với câu hỏi “Làm thế nào đưa ẩm thực Việt Nam chinh phục thế giới?”.

“Hiện ẩm thực Việt Nam ở nước ngoài phát triển tương đối ngẫu hứng, được những người đang sinh sống, kinh doanh ở nước sở tại cho rằng ‘mình nấu món này ngon, và nếu mở nhà hàng sẽ kinh doanh tốt’. Thực sự chưa có doanh nghiệp lớn của nước ngoài hay Việt Nam đầu tư”, ông Đinh Minh trải lòng.

Để có thể phát triển ẩm thực Việt, Chủ tịch Miresto cho rằng cần phải có một doanh nghiệp lớn thực sự đầu tư, với những bước cụ thể từ việc chọn menu phù hợp, đào tạo con người về ẩm thực và văn hóa. Những con người ấy cần sẵn sàng sang nước ngoài, hiểu ngôn ngữ, văn hóa, sẵn sàng hòa mình vào văn hóa nước sở tại, chăm sóc, phục vụ người dân sở tại… mới có thể thành công.

Kế hoạch lớn đằng sau việc mời Đại sứ ẩm thực Nhật Bản sang Việt Nam

Đại sứ văn hóa ẩm thực Nhật Bản Tomisawa Hirokazu (trái) cùng học trò Fuku Nguyễn (phải).

Đại sứ văn hóa ẩm thực Nhật Bản Tomisawa Hirokazu (trái) cùng học trò Fuku Nguyễn (phải).

Sự kiện “Taste of Japan” tại Hà Nội đã chào đón một nhân vật mà ông Đinh Minh cho rằng “không thể có ai phù hợp hơn” – Đại sứ văn hóa ẩm thực Nhật Bản Tomisawa Hirokazu. Ông Tomisawa đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Đầu bếp tại Tokyo, sang Việt Nam theo lời mời của Hệ thống Nhà hàng Nhật Bản Hatoyama và Nhà hàng buffet Nhật Bản OKITA (thuộc Miresto).

Ông Tomisawa từng đến Việt Nam gần hai chục năm trước. Đệ tử của ông – Fuku Nguyễn (Nguyễn Bá Phước) – là người Việt Nam đầu tiên và là người nước ngoài thứ 9 trên thế giới đạt Huy hiệu vàng “Taste of Japan” do Chính phủ Nhật Bản cấp vào năm 2021. Nhận lời mời sang Việt Nam lần này, vị Đại sứ văn hóa ẩm thực Nhật Bản thổ lộ rằng ông đã gật đầu luôn không cần đắn đo.

“Tôi cảm thấy ẩm thực Việt Nam rất ngon và cực phù hợp với người Nhật cũng như và người dân nhiều nước khác trên thế giới. Tôi tin ai ăn món ăn Việt Nam cũng thích và muốn tìm hiểu về đất nước, con người Việt Nam, và muốn đến Việt Nam. Tôi sẽ truyền đạt điều đó qua các hoạt động của mình tại Nhật Bản”, ông Tomisawa nói.

Việc mời Đại sứ ẩm thực Nhật Bản đến Việt Nam lần này không chỉ nhằm mục đích quảng bá ẩm thực Nhật Bản. “Hai bên đã bàn bạc và lên kế hoạch lan tỏa văn hóa ẩm thực của Nhật Bản tại Việt Nam, cũng như cùng lập một viện nghiên cứu ẩm thực Việt – Nhật, qua đó chắt lọc những món ăn phù hợp của Việt Nam đưa sang Nhật Bản”.

“Chúng tôi vừa ký kết và lên kế hoạch 5 năm tới, trong dịp kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Nhật, sẽ tổ chức lễ hội văn hóa ẩm thực Việt – Nhật. Nếu có điều kiện, sẽ tổ chức ngày hội này không chỉ tại Hà Nội, mà cả tại Tokyo, cùng một số hoạt động khác”, ông Đinh Minh tiết lộ.

“Đại sứ văn hóa ẩm thực” là chức danh do Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản khởi xướng từ năm 2015, với mục đích thực hiện truyền bá ẩm thực, văn hóa ẩm thực Nhật Bản ở trong và ngoài nước.

Hoạt động của Đại sứ văn hóa ẩm thực bao gồm hướng dẫn, đưa ra lời khuyên từ góc nhìn của một đầu bếp chuyên nghiệp với tất cả những người làm việc liên quan tới món ăn Nhật Bản ở nước ngoài. Cho đến nay, có 187 người ở trên 56 quốc gia và vùng lãnh thổ đã nhận được chứng nhận này và đang hoạt động tích cực.

Đại sứ văn hóa ẩm thực Tomisawa Hirokazu là bếp trưởng ở Nhà hàng món ăn Nhật Bản “Yoshimura” và là Chủ tịch Hiệp hội Đầu bếp tại Tokyo. Ông được Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio giới thiệu là “một nhân vật đi đầu trong giới ẩm thực Nhật Bản”.

Nguồn: markettimes